sự khác nhau giữa các loại sả

cách phân biệt các loại sả

Trên thế giới có hơn 50 loài sả khác nhau thuộc họ Poaceae. Nguồn gốc của cây Sả là từ châu Á và được trồng nhiều ở các nước có khí hậu nhiệt đới và ôn đới. Có 3 loài sả phổ biến nhất là Sả Chanh, Sả Java, Sả Hoa Hồng.

Cách phân biệt các loại sả một cách chi tiết và đầy đủ

Phân biệt cây Sả Chanh

sả chanh là gia vị quen thuộc

Đây là một loại thảo mộc thuộc họ sả có tên khoa học là Cymbopogon Citratus và trong tiếng Anh nó có tên gọi Lemongrass. Nó được gọi là Sả Chanh vì nó có hương thơm đặc trưng của chanh. Cũng chính vì tên gọi này mà nhiều người nhầm lẫn tinh dầu Sả Chanh là sự kết hợp giữa Sả và Chanh. Sả Chanh là loại gia vị phổ biến trong những món ăn của Việt Nam nói chung và châu Á nói riêng. Loại sả mà chúng ta hay ăn chính là Sả Chanh.

Sả Chanh thường được trồng nhiều ở những nước có khí hậu nhiệt đới. Trong rất nhiều món ăn của Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Ấn độ dùng sả chanh làm gia vị. Trong y học cổ truyền, loại sả này cũng được dùng để xông giải cảm, diệt khuẩn trong không khí, giảm nhức mỏi,…Ấn Độ hiện là quốc gia có sản lượng sả chanh lớn nhất trên thế giới. Nó được trồng nhiều ở dãy núi Himalaya của Ấn Độ.

sả chanh là loại gia vị phổ biến

Tinh dầu Sả Chanh được chiết xuất từ cây sả này thông qua phương pháp chưng cất hơi nước. Nó có khả năng chống côn trùng tốt nên thường được dùng trong các sản phẩm trừ sâu, đuổi côn trùng. Ngoài ra, tinh dầu này cũng kháng khuẩn, kháng nấm rất hiệu quả.

Phân biệt Sả Java

sả java chỉ dùng để lấy tinh dầu

Loài sả này có tên khoa học là Cymbopogon nardus, tên Tiếng Anh: Citronella. Nó có nguồn gốc từ các nước châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia. Do loài sả này được trồng phổ biến ở đảo Java của Indonesia nên có tên gọi là Sả Java. Đây là loại sả không dùng để làm gia vị như sả chanh mà chỉ sử dụng trong sản xuất tinh dầu. Từ xa xưa, nó đã được con người sử dụng để xua đuổi côn trùng, loại bỏ chấy rận, làm sạch giun sán.

So với sả chanh thì nó cao hơn, cây trưởng thành cao hơn 1,5 mét, gốc cây sả màu tím. Thường mọc thành từng bụi lớn có đường kính hơn 1 mét. Cây sả Java có thân nhỏ, phần củ không có kích thước lớn như sả chanh. Loại sả này nhiều xơ, có vị đắng nên không thể dùng làm thức ăn.

sự khác nhau giữa sả chanh và sả java

Thân sả Chanh màu trắng còn sả Java màu tím

 

Tinh dầu sả Java cũng được chiết xuất từ phần thân và lá bằng phương pháp chưng cất hơi nước. Tinh dầu này có rất nhiều công dụng hữu ích trong đời sống và sản xuất hóa mỹ phẩm. Trong y học cổ truyền Ấn Độ và Trung Quốc, Tinh dầu sả Java được dùng cho các vấn đề tiêu hóa, thấp khớp, sốt. Nó có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, chống nấm, làm sạch vết bẩn. Tinh dầu sả Java là nguyên liệu trong các sản phẩm như nước hoa, xà phòng, chống côn trùng, xoa bóp giảm nhức mỏi.

Nhận diện sả hoa hồng

sả hoa hồng trồng nhiều ở ấn độ

Sả Hoa Hồng có tên khoa học là Cymbopogon Martini, trong tiếng Anh, nó được gọi là Palmarosa. Loài cây này được gọi là sả hoa hồng nhờ hương thơm ngọt ngào giống hoa hồng. Loài cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ, thích hợp với những vùng có khí hậu cận nhiệt đới. Với nhiệt độ từ 20-25 độ C, loài cây này sinh trưởng và phát triển tốt nhất.. Sả Hoa Hồng được trồng để lấy tinh dầu, không dùng để làm thức ăn.

Sả Hoa Hồng là loài thân thảo có chiều cao hơn 1,3 mét, có cây còn cao đến gần 3 mét. Nó có tuổi thọ hơn 10 năm, có cây còn sống được 15 năm. Sả Hoa Hồng thường được trồng ở những vùng đất ngập nước tại Ấn Độ và Nepal. Tinh dầu sả hoa hồng được sản xuất bằng phương pháp chưng cất hơi nước phần lá và thân.

Để có chất lượng tinh dầu cao, sả hoa hồng thường được trồng ở vùng đất có tính kiềm ( PH từ 7,5 – 8,5). Nó mọc thành từng bụi nhỏ phân bố rải rác tại vùng đất có nhiều ánh nắng. Để cải thiện năng suất, người ta thường xuyên bón phân cho nó. Sản lượng trung bình khoảng 11 tấn trên mỗi hecta, hàm lượng tinh dầu khoảng 1,5g/ 100g. Hàm lượng tinh dầu đạt mức cao nhất khi cây đang ra hoa. Để thu được tinh dầu có hàm lượng Geraniol cao thì người ta thu hoạch trong mùa khô. Tinh dầu Sả Hoa Hồng được dùng trong các loại nước hoa, mỹ phẩm.

Thông tin thêm

Thành phần chính của từng loại tinh dầu

Sả chanh thành phần chính là Citral

Sả Hoa Hồng: Thành phần chính là Geraniol

Sả Java thành phần chính là citronellal, geraniol, citronellol

Những thành phần này tạo nên hương thơm đặc trưng và đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

Như vậy, trong ba loại sả trên thì chỉ có Sả Chanh là được dùng nhiều trong thực phẩm. Còn sả Java và Sả Hoa Hồng chỉ sử dụng để chiết xuất tinh dầu. Xin nhấn mạnh một lần nữa là sả chanh là tên một loại sả, không phải là sả và chanh. Xét về độ phổ biến thì tinh dầu sả chanh và sả java được nhiều người biết đến hơn so với sả hoa hồng. Bù lại, sả hoa hồng lại là sản phẩm dùng nhiều trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Mong rằng qua bài viết này, Quý vị và các bạn có thể phân biệt chính xác được các loại sả. Từ đó chọn được sản phẩm phù hợp với sở thích và mục đích sử dụng của mình.

Tham khảo: http://blog.thecasadelorenzo.com

0979990333